Danh mục sản phẩm

Quy chuẩn 41/2016/BGTVT - CỌC TIÊU, TIÊU PHẢN QUANG, TƯỜNG BẢO VỆ VÀ HÀNG RÀO CHẮN

Thứ ba - 14/06/2022 19:49
Quy chuẩn 41/2016/BGTVT - CỌC TIÊU, TIÊU PHẢN QUANG, TƯỜNG BẢO VỆ VÀ HÀNG RÀO CHẮN
Quy chuẩn 41/2016/BGTVT - CỌC TIÊU, TIÊU PHẢN QUANG, TƯỜNG BẢO VỆ VÀ HÀNG RÀO CHẮN
Điều 56. Tác dụng của cọc tiêu hoặc tường bảo vệ
Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ đặt ở lề của các các đoạn đường nguy hiểm có tác dụng hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường.
Tường bảo vệ còn có tác dụng bảo vệ cho các phương tiện tham gia giao thông khỏi văng ra khỏi phần đường xe chạy. Tường bảo vệ đồng thời cần có tác dụng dẫn hướng cho lái xe vào ban đêm bằng vạch sơn đứng hoặc tiêu phản quang gắn trên đó.

Điều 57. Hình dạng và kích thước cọc tiêu

Cọc tiêu có tiết diện là hình vuông, kích thước cạnh tối thiểu 12 cm hoặc hình tròn có tiết diện tối thiểu tương đương; chiều cao cọc tiêu tính từ vai đường đến đỉnh cọc là 70 cm; ở những đoạn đường cong, có thể trồng cọc tiêu thay đổi chiều cao cọc, cao dần từ 40 cm tại tiếp đầu, tiếp cuối đến 70 cm tại phân giác. Phần cọc trên mặt đất được sơn trắng, đoạn 10 cm ở đầu trên cùng có màu đỏ và bằng chất liệu phản quang hoặc phát quang. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các cọc tiêu với màu sắc khác nhưng trên trên cọc tiêu phải gắn các tiêu phản quang theo các quy định tại Điều 61.
Điều 58. Các trường hợp cắm cọc tiêu
58.1. Những trường hợp sau phải cắm cọc tiêu:
58.1.1. Phía lưng các đường cong nằm từ tiếp đầu đến tiếp cuối. Trong trường hợp có đường cong chuyển tiếp thì phải bố trí cọc tiêu từ điểm nối đầu đến điểm nối cuối;
58.1.2. Các đoạn nền đường bị thắt hẹp;
58.1.3. Các đoạn đường có taluy âm cao từ 2 m trở lên;
58.1.4. Các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao;
58.1.5. Các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt cùng mức;
58.1.6. Dọc hai bên những đoạn đường bị ngập nước thường xuyên hoặc chỉ ngập theo mùa và hai bên thân đường ngầm, đường tràn;
58.1.7. Các đoạn đường qua bãi cát, đồng lầy, đồi cỏ mà khó phân biệt mặt đường phần xe chạy với dải đất hai bên đường.
58.2. Không cần bố trí cọc tiêu trong trường hợp phần đường xe chạy đã được phân biệt rõ bởi bó vỉa, vỉa hè hoặc các kết cấu liền kề hoặc khi đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên tại các đường cong.
Điều 59. Kỹ thuật cắm cọc tiêu
59.1. Đường mới xây dựng hoặc nâng cấp cải tạo, cọc tiêu cắm sát vai đường và mép trong của cọc phải cách đều mép phần đường xe chạy tối thiểu 0,5 m, lượn đều theo mép phần xe chạy trừ trường hợp bị vướng chướng ngại vật.
59.2. Đường đang sử dụng, lề đường không đủ rộng thì cọc tiêu cắm sát vai đường.
59.3. Nếu đường đã có hàng cây xanh trồng ở trên vai đường hoặc lề đường, cho phép cọc tiêu cắm ở sát mép hàng cây nhưng bảo đảm quan sát thấy rõ hàng cọc nhưng không được lấn vào phía tim đường làm thu hẹp phạm vi sử dụng của đường.
59.4. Nếu ở vị trí theo quy định phải cắm cọc tiêu đã có tường bảo vệ hoặc rào chắn cao trên 0,40 m thì không phải cắm cọc tiêu.
59.5. Lề đường ở trong hàng cọc tiêu phải bằng phẳng chắc chắn, không gây nguy hiểm cho xe khi đi ra sát hàng cọc tiêu và không có vật chướng ngại che khuất hàng cọc tiêu.
59.6. Đối với đường đang sử dụng, nếu nền và mái đường không bảo đảm được nguyên tắc nêu ở khoản 59.1 Điều này thì tạm thời cho phép cắm cọc tiêu lấn vào trong lề đường đến phạm vi an toàn.
59.7. Cọc tiêu phải cắm thẳng hàng trên đường thẳng và lượn cong dần trong đường cong, với khoảng cách giữa các cọc như sau:
59.7.1. Khoảng cách (S) giữa hai cọc tiêu trên đường thẳng là S = 10 m với các đường ô tô thông thường và 30 m với đường cao tốc;
59.7.2. Khoảng cách giữa hai cọc tiêu trên đường cong nằm:
a) Nếu đường cong có bán kính R = 10 m đến 30 m thì khoảng cách giữa hai cọc tiêu S = 3 m;
b) Nếu đường cong có bán kính R: 30 m < R ≤ 100 m thì khoảng cách giữa hai cọc tiêu S = 5 m;
c) Nếu đường cong có bán kính R > 100 m thì S = 10 m;
d) Khoảng cách giữa hai cọc tiêu ở tiếp đầu (hoặc nối đầu) và tiếp cuối (hoặc nối cuối) có thể bố trí xa hơn 3 m so với khoảng cách của hai cọc tiêu trong phạm vi đường cong.
59.7.3. Khoảng cách giữa hai cọc tiêu trên đoạn đường dốc:
a) Nếu đường có độ dốc ≥ 3 %, khoảng cách giữa hai cọc tiêu là 5 m;
b) Nếu đường có độ dốc < 3 %, khoảng cách giữa hai cọc tiêu là 10 m (không áp dụng đối với đầu cầu và đầu cống);
c) Khoảng cách giữa hai cọc tiêu trên đoạn đường dốc nơi có đường cong nằm thì lấy theo quy định tại điểm 59.7.2 khoản 59.7 Điều này. Khi hết phạm vi đường cong nằm, khoảng cách của các cọc tiêu lấy theo tiết a và tiết b điểm này.
59.7.4. Mỗi hàng cọc tiêu cắm ít nhất là 6 cọc.
Điều 60. Hàng cây thay thế cọc tiêu
Trên những đoạn đường nếu hàng cây có đủ điều kiện như sau thì được phép sử dụng thay thế cọc tiêu:
60.1. Khoảng cách giữa hai cây khoảng 10 m và tương đối bằng nhau (đường kính 0,15 m trở lên);
60.2. Hàng cây trồng ở ngay vai đường hoặc trên lề đường; lượn đều theo mép phần đường xe chạy;
60.3. Thân cây được thường xuyên quét vôi trắng từ độ cao trên vai đường 1,5 m trở xuống.
Điều 61. Tiêu phản quang
61.1. Quy định chung đối với tiêu phản quang
61.1.1. Tiêu phản quang là thiết bị dẫn hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang được bố trí tại các nơi mà tuyến đường có thể gây ngộ nhận hoặc lúng túng về hướng đường.
61.1.2. Tiêu phản quang phải gắn công cụ phản quang cho phép nhìn rõ vào buổi tối dưới ánh đèn pha ôtô đạt tiêu chuẩn trong điều kiện thời tiết bình thường ở cự ly 300m.
61.1.3. Công cụ phản quang có thể là các tấm nhựa phản quang, các khối kim loại gắn phản quang, màng phản quang dán trên các miếng kim loại v.v... Công cụ phản quang có thể có dạng hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác hoặc hình đa giác được gắn lên các lan can phòng hộ, tường bảo vệ hoặc gắn xuống mặt đường. Công cụ phản quang cũng bao gồm các vật liệu phản quang dạng dải quấn quanh các cọc tiêu phản quang.
61.1.4. Tiêu phản quang màu vàng được sử dụng ở các dải phân cách giữa. Tiêu phản quang màu đỏ được sử dụng cho hướng ngược chiều của đường một chiều (để cảnh báo người lái đi nhầm đường) và sử dụng cho các đường lánh nạn.
61.1.5. Tiêu phản quang bao gồm: tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách, tiêu phản quang dạng mũi tên và đinh phản quang (còn gọi là cóc phản quang) bố trí trên mặt đường.
61.2. Tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách
61.2.1. Phạm vi áp dụng tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách:
a) Trên các đường cao tốc:
+ Bố trí dọc hai bên đường. Khi đó, nếu lan can phòng hộ cách mép phần đường xe chạy dưới 2,4 m, gắn tiêu phản quang lên lan can phòng hộ. Các trường hợp khác phải bố trí tiêu phản quang dạng cột đặt bên đường;
+ Bố trí ít nhất một bên trên các nhánh nối của các nút giao khác mức liên thông.
b) Trên các đường khác: nên sử dụng tiêu phản quang tại vị trí các đoạn đường bị thu hẹp phần đường xe chạy mà không có lan can phòng hộ, các đoạn đường đèo dốc quanh co hạn chế tầm nhìn, trong phạm vi đường lánh nạn, nơi đường bộ giao nhau với đường sắt. Nơi đường thường xuyên có sương mù cần bố trí tiêu phản quang trên các vật thể cứng liền kề phần xe chạy như các đầu đảo giao thông, bó vỉa v.v... khi khó nhận biết các vật thể này về ban đêm.
61.2.2. Không cần sử dụng tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách trong các trường hợp sau:
a) Trên mặt đường đã được gắn đinh phản quang liên tục;
b) Đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên trong các đường cong;
c) Tại những nơi có đèn đường chiếu sáng liên tục về ban đêm;
d) Làn đường mở rộng dần theo chiều xe chạy.
61.2.3. Vị trí và khoảng cách tiêu phản quang bố trí bên đường và trên dải phân cách như sau:
a) Tiêu phản quang phải đặt cách mép phần xe chạy phía ngoài cùng từ 0,6 m -
2,4 m và cách đều mép mặt đường, lượn cong đều theo mép phần đường xe chạy;
b) Trên đường thẳng, khoảng cách giữa tiêu phản quang không nhỏ hơn 10 m và không quá 100 m;
c) Trong phạm vi đường cong nằm, khoảng cách nhỏ nhất giữa các tiêu phản quang là 6 m và tối đa là 100 m phụ thuộc vào bán kính đường cong;
d) Phần đường thẳng tiếp giáp với điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong bố trí 3 tiêu. Tiêu đầu tiên cách điểm bắt đầu hoặc kết thúc của đường cong là 1S; tiêu thứ hai cách tiêu thứ nhất là 3S, và tiêu thứ 3 cách tiêu thứ 2 là 6S nhưng cũng không cách xa quá 100 m (S là khoảng cách giữa các tiêu bố trí trong đường cong).
61.3. Tiêu phản quang dạng mũi tên
61.3.1. Tiêu phản quang dạng mũi tên bao gồm một biển vẽ dạng mũi tên chỉ hướng màu đen trên nền vàng gắn trên đỉnh các cột (xem Hình 34).
Tiêu phản quang dạng mũi tên
Hình 34-Tiêu phản quang dạng mũi tên
61.3.2. Kích thước tiêu phản quang dạng mũi tên được quy định như sau:
Tiêu phản quang dạng mũi tên 1
 
Kích thước A B C D E F
Đường có tốc độ thiết kế < 60 km/h 220 400 110 200 10 10
Đường có tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h 300 500 150 250 15 15
Đường có tốc độ thiết kế > 80 km/h 600 800 300 400 20 20
61.3.3. Tiêu phản quang dạng mũi tên được sử dụng trong phạm vi đường cong nằm trong các trường hợp sau:
a) Trên các đường cao tốc tại các đường cong có bán kính bằng bán kính tối thiểu nhỏ nhất theo cấp đường;
b) Trên các nhánh rẽ trái gián tiếp của các nút giao khác mức liên thông;
c) Trên các đoạn đường cong hạn chế tầm nhìn hoặc các đường cong được đánh giá là điểm đen về tai nạn giao thông; các đường cong được gắn biển số 201 “Chỗ ngoặt nguy hiểm” có lưng hướng ra phía vực sâu mà không có tường bảo vệ hoặc lan can phòng hộ; các đường cong dạng con rắn.
61.3.4. Tiêu phản quang dạng mũi tên được bố trí ở phía lưng của đường cong nằm, bắt đầu từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc đoạn cong. Khoảng cách giữa các tiêu phản quang dạng mũi tên không nhỏ hơn 12 m và không lớn hơn 60 m.
61.4. Đinh phản quang
61.4.1. Đinh phản quang theo phương dọc đường được bố trí như sau:
a) Trên các đường cao tốc:
+ Bắt buộc bố trí trên các vạch sơn kênh hóa dòng xe tại đầu các mũi đảo tách dòng và nhập dòng. Trong trường hợp này, cần sử dụng đinh phản quang màu vàng trong phạm vi từ mũi đảo thực (đảo cứng) cho đến mũi hết mũi đảo bằng vạch sơn với cự ly giữa các đinh phản quang tối đa là 6 m.
+ Có thể bố trí đinh phản quang trên các vạch sơn phân chia giữa phần xe chạy chính và làn dừng xe khẩn cấp.
b) Với đường nhiều hơn 2 làn xe mỗi hướng không có dải phân cách cố định, có thể bố trí một hàng đinh phản quang tại tim đường nằm giữa vạch sơn kép phân chia hai chiều xe chạy.
61.4.2. Có thể sử dụng đinh phản quang màu vàng gắn theo phương ngang đường tại vị trí mặt đường bị thấp xuống hoặc vồng lên đột ngột theo phương ngang đường và trên vạch dừng xe nơi phần đường người đi bộ cắt qua không có tín hiệu đèn điều khiển.
61.4.3. Đinh phản quang không được nhô cao khỏi mặt đường quá 2,5 cm.
Điều 62. Tường bảo vệ
62.1. Có thể xây tường bảo vệ để thay thế cọc tiêu. Tường bảo vệ thay thế cọc tiêu phải được gắn tiêu phản quang hoặc được sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quang và vạch kẻ đường (vạch đứng) quy định trong Quy chuẩn này;
62.2. Tường bảo vệ dày tối thiểu từ 0,2m - 0,3m, cao trên vai đường tối thiểu 0,5m.
Điều 63. Hàng rào chắn cố định
63.1. Hàng rào chắn cố định đặt ở những vị trí nền đường bị thắt hẹp, ở đầu cầu, đầu cống hoặc ở đầu những đoạn đường cấm, đường cụt, không cho xe, người qua lại.
63.2. Đường hai đầu cầu nơi bề rộng cầu hẹp hơn bề rộng nền đường thì phải sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ; lan can lúc này được sơn hoặc gắn tiêu phản quang có tác dụng dẫn hướng như cọc tiêu.
63.3. Hai đầu cống nơi chiều dài cống hẹp hơn bề rộng nền đường thì phải sử dụng hàng rào có lan can phòng hộ hoặc xây tường bảo vệ. Tường hoặc lan can được sơn hoặc gắn tiêu phản quang có tác dụng như cọc tiêu.
63.4. Trên các bộ phận của hàng rào chắn (cột, thanh ngang) phải gắn tiêu phản quang hoặc được sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quang và vạch kẻ đường (vạch đứng) quy định trong Quy chuẩn này.
Điều 64. Hàng rào chắn di động
64.1. Hàng rào chắn di động là những hàng rào chắn có thể di động theo yêu cầu hoặc đóng mở được.
64.2. Hàng rào chắn di động đặt ở những vị trí cần điều khiển sự đi lại và kiểm soát giao thông.
64.3. Chiều cao hàng rào chắn di động là 0,85 m, chiều dài là suốt phần đường cấm.
64.4. Trên các bộ phận của hàng rào chắn (cột, thanh ngang) phải gắn tiêu phản quang hoặc được sơn phản quang theo các quy định về bố trí tiêu phản quang và vạch kẻ đường (vạch đứng) quy định trong Quy chuẩn này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây